Nhận định Hành vi tâm linh ở động vật

Liên hệ

Liên quan đến nghiên cứu của người hiện đại cho thấy cuộc sống có những hành vi nghi lễ của động vật là mối quan tâm của các nhà cổ sinh vật học, vì chúng cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách các hệ thống niềm tin tôn giáo có thể đã phát triển từ tổ tiên của loài người. Một số người đã thấy sự tương đồng bề ngoài giữa các nghi thức tang lễ của voi châu Phi và nghi thức chôn cất của người Neanderthal với những dấu hiệu về cái chết được thể hiện từ hơn 100 ngàn năm trước, và các nền văn hoá trên toàn cầu đều phát triển những nghi lễ phức tạp đối với cái chết từ các nghi lễ để tang cho tới việc xây dựng nghĩa địa, trang trí quan tài hay xây dựng kim tự tháp, hay nghi thức của tộc người Toraja ở Indonesia sống cùng xác chết của người thân trong hàng tuần lễ[1]

Một số nhà nghiên cứu động vật nhận định hành vi của tinh tinh, voi và cá voi sát thủ cho thấy chúng có nhận thức về đời sống tâm linh. Nếu như Nancy Howell chỉ ra tinh tinh sở hữu những tiền tố hình thành đời sống tâm linh, thì những người khác viện dẫn hành vi của các loài nói trên có những điểm tương đồng nhất định với quá trình hình thành đời sống tâm linh ở con người. Việc chôn cất đồng loại, hay những sinh vật khác của loài voi khá giống với người Neanderthal, người Cro-Magnon cũng có phong tục chôn cất người chết[2]. Tuy nhiên, những kiến thức này là bằng chứng quan trọng cho thấy con người không phải là loài duy nhất có phản ứng trước cái chết của đồng loại.

Trong những nghiên cứu của mình, nhà bác học Darwin cho rằng các loài động vật khác có khả năng biểu hiện các cảm xúc như hạnh phúc và đau khổ, và những câu chuyện về loài voi để tang đồng loại đã được Pliny Già của La Mã (23-79 Sau Công nguyên) ghi nhận. Nhưng dù vậy, các khoa học gia và các nhà triết học khá thận trọng và ngần ngại khi dùng từ "đau buồn" để mô tả cách ứng xử của bất kỳ động vật nào trước cái chết của đồng loại, bởi họ sợ rằng như thế là đã nhân cách hoá chúng, tức là gán cho chúng những thuộc tính, trạng thái tình cảm, hay ý niệm của con người như thể đã bị trói buộc suy nghĩ bởi những sợ hãi của mình về việc nhân cách hoá[1]

Nhà tâm lý học tiến hóa Matt Rossano đã đưa ra giả thuyết cơ bản về quá trình tiến hóa đời sống tâm linh ở người tiền sử. Quá trình này gồm ba bước liên quan đến nhau. Đầu tiên, sự tâm linh được thể hiện qua những nghi lễ được dùng để gắn kết cộng đồng. Sau đó, những nghi lễ dần phổ biến, thâm nhập vào những hoạt động khác trong đời sống như chữa bệnh. Cuối cùng, đời sống tâm linh thể hiện ở hầu khắp những hành động trong đời sống con người như hội họa, thờ phụng; thậm chí ảnh hưởng đến quan niệm về đạo đức. Nếu điều này là đúng thì hành vi của tinh tinh được Goodall chứng kiến có thể được hiểu là tương tự như tôn giáo của loài người tiền sử và đây chính là bước đầu trong việc hình thành đời sống tâm linh[2]

Phản biện

Câu hỏi liệu động vật có hình thành đời sống tâm linh hay không vẫn trở thành đề tài gây tranh cãi. Quan điểm của Goodall nhận không ít phản bác. Nhà thần học Christopher Fisher cho rằng Goodall đã nhân tính hóa loài tinh tinh quá nhiều. Ông thừa nhận tinh tinh có cảm xúc, biết vui buồn như Goodall đã chứng minh, nhưng chúng không thể hình thành đời sống tâm linh. Christopher Fisher dẫn chứng đời sống tâm linh của con người chỉ bắt đầu hình thành khi con người có tiếng nói. Tinh tinh có thể giao tiếp qua một số hành động, cử chỉ đơn giản, nhưng chúng không có ngôn ngữ thể hiện qua lời thoại. Tinh tinh không thể truyền miệng ý nghĩa hành động của mình, và hành động của những cá thể trong cùng một bầy chỉ đơn giản là bắt chước một cách vô thức[2].

Động vật cấp thấp có thể giao tiếp với nhau hay với môi trường nhờ các sóng như sóng siêu âm phát ra ở loài dơi, sóng điện từ với một số loài cá, sóng âm tần thấp của loài voi... Đây là cơ sở có thể giúp ta lý giải các hiện tượng tâm linh. Những hành động của voi và cá heo cũng vậy, cá heo có thể giao tiếp qua sóng siêu âm, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được tường tận khả năng giao tiếp của chúng. Voi, cá heo và tinh tinh đều có những cách giao tiếp phức tạp mà con người chỉ mới hiểu một phần. Việc con người chứng kiến cái chết của động vật trong tự nhiên là khá hiếm, vì vậy hầu hết những kiến thức có được đều là từ bên ngoài phòng thí nghiệm[3]. Ngoài ra, hiện tượng hàng loạt cá voi chết hoặc trôi dạt vào bờ hoàn toàn không cho thấy điều gì liên quan đến hành vi tâm linh ở cá voi. Việc thời tiết thay đổi đột ngột, hoặc các hoạt động địa chất xảy ra có thể khiến cá voi nhầm phương hướng khi di chuyển trên biển, khiến chúng bơi vào bờ và mắc cạn[2].

Cái chết là một trong những sự kiện xã hội chấn động nhất trong một nhóm động vật sống quần cư có giao tiếp với nhau. Chẳng hạn như khi một cá thể trưởng thành chết, sẽ cần có thứ gì đó để củng cố sự gắn bó xã hội. Hoặc có thể là phản ứng từ cả nhóm đối với một con mẹ bị mất con là cách để chúng kết nối với nhau. Trong số các loài động vật có vú, giống như con người chúng ta, nơi mà giao tiếp xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sinh tồn, sẽ thấy khả năng thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của các cá thể trước cái chết[1]. Tiến sỹ King đã quan sát tinh tinh, khỉ bonobo, đười ươi và các loài linh trưởng khác trong nhiều năm, nói rằng: Tôi đã chứng kiến cảnh chăm sóc vô cùng dịu dàng, cẩn thận, tuy nhiên các con tinh tinh đực vẫn có thể hung dữ với các con khác và giống như ở người, đó là sự lẫn lộn giữa nhiều thứ, phụ thuộc vào tính cách cá nhân của từng cá thể.[1].

Nếu một con vật đang sống có mối quan hệ gần gũi với một con vật vừa chết trở nên từ bỏ mọi hoạt động xã hội, không ăn, ngủ, đi lại theo cách thức thông thường nó vẫn làm, và thể hiện những cảm xúc đặc trưng của loài thì đó là lúc chúng ta ghi nhận được bằng chứng về cách thể hiện tình cảm của con vật đó trước cái chết [1]. Theo tiến sỹ Dora Biro từ Đại học Oxford cho rằng: "Nếu như đau buồn là điều ta chứng kiến trong các loài động vật có tính giao tiếp xã hội cao, và thường thấy nhất trong các cá thể có mối gắn bó xã hội thân thiết, thì điều này rốt cuộc cho chúng ta biết rằng nghi thức để tang là phản ứng mang tính tiến hoá để chấp nhận sự mất mát. Các loài động vật thông minh và con người cần có thời gian để chấp nhận sự mất mát"[1]

Cá heo và cá voi là ví dụ điển hình về những loài vừa thông minh, vừa có mức độ giao tiếp xã hội cao, cho nên không ngạc nhiên gì khi chúng quan tâm tới thành viên vừa chết, mà xảy ra thường xuyên nhất là chuyện con mẹ quan tâm tới con con bị chết. Thái độ của chúng không chỉ gồm việc kéo hay đẩy xác chết như trong trường hợp cá voi mẹ Tahelqua, mà còn cả các cách ứng xử tự phát và xăng xái hơn, như nhấc lên, hạ xuống xác chết nơi bề mặt nước để giúp nó dễ thở hơn, hay lôi kéo, xoay tròn, và kéo xác chết lặn xuống, các con cá heo mũi chai dự tang lễ của con non bị chết trong ba lần khác nhau, trong đó có hai lần là con cá heo mẹ mang con con đã chết theo mình trong vài ngày, và một lần là cả đàn cố tìm cách đẩy con non đang hấp hổi nổi lên, rồi cùng nhau ở lại khu vực thêm một thời gian sau khi con non chết và chìm xuống. Khi cá mẹ mang theo con con của nó trong nhiều ngày thì đó là bởi con con vừa mới được sinh ra, cho nên việc con non chết là bất ngờ, không lường trước. Cá mẹ cần có thêm nhiều thời gian để chấp nhận mất mát thay vì phải mang theo một xác chết suốt tuần[1].

Việc mang theo xác chết của con non là phổ biến trong các loài linh trưởng. Nhiều loài linh trưởng được quan sát thấy mang theo xác con non trong hàng tuần, thậm chí hàng tháng như trong một số trường hợp đặc biệt, con mẹ thậm chí mang xác chết theo cho tới khi xác con nó hoàn toàn khô như xác ướp do nhiệt, hoặc thậm chí chỉ còn là bộ xương. Nhưng đó chỉ là một trong vài cách thức khác nhau mà các loài linh trưởng thể hiện đối với cái chết của đồng loại, chúng có thể tỏ thái độ giao tiếp thể chất với xác chết, như chải lông, làm sạch răng và nhẹ nhàng vuốt ve, hoặc có các hành vi dữ dội hơn như giật nhổ lông, dựng xác chết lên, hoặc thậm chí là ăn thịt xác chết[1].

Động vật có khả năng chúng chia sẻ khả năng để truyền các đặc điểm hành vi từ thế hệ này sang thế hệ khác, không phải thông qua gen của chúng mà qua học tập, một thứ có thể học được bằng cách quan sát các kỹ năng đã được thiết lập của người khác và sau đó truyền lại cho các thế hệ sau. Trên thực tế, tất cả những quan điểm về đời sống tâm linh của động vật chỉ dựa trên những quan sát, so sánh, đưa ra những nét tương đồng rồi dẫn đến suy diễn, thậm chí nhiều hành vi được cho là xảy ra do tính nết của một cá thể. Không có một căn cứ nào cụ thể chứng minh tinh tinh hay voi, cá voi sát thủ có đời sống tâm linh. Không một cá thể tinh tinh, voi hay cá heo nào có thể ra dấu cho con người biết liệu chúng có tin vào thế lực siêu nhiên hay không[2].